Một số nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố như phương pháp cán luyện, kỹ thuật cán luyện, hệ kết mạng, các chất tạo tính tương thích hai pha NR và NBR lên tính chất của hỗn hợp cao su lưu hóa NR/NBR đã được thực hiện. Trong đó, việc thêm các chất tương thích tạo hiệu quả khá cao. Hỗn hợp các vật liệu đàn hồi không tương thích cao có thể được cải thiện bằng cách thêm vào một lượng nhỏ polymer khác. Ví dụ, một lượng nhỏ chlorinated polyethylene được thêm vào các hỗn hợp NBR/EPM hoặc CR/EPDM, giúp chúng trộn lẫn nhanh hơn. Ở đây, chlorinated polyethylene hoạt động như một chất tạo sự tương thích, tạo một lớp bọc ngoài các hạt EPM giúp các pha NBR lớn hơn dính vào chúng dễ dàng. Sự kết dính và tính phân cực ở bề mặt EPM tăng, làm tăng tính tương thích. Sự xuất hiện của các block hoặc graft copolymer nhất định cũng có tác động tương tự vì chúng có thể thay đổi tính chất ở bề mặt chung.
Trong trường hợp của hỗn hợp cao su NR/NBR, tính chất của hỗn hợp (độ bền kéo, cấu trúc pha) có thể được cải thiện đáng kể bằng cách thêm vào 5-20% cao su thiên nhiên tạo nhánh methyl methacrylate (graft copolymer gồm NR không phân nhánh và polymethyl methacrylate, PMMA) hoặc cao su chloroprene (CR). Nguyên nhân là do graft copolymer gần như hòa tan hoàn toàn trong cao su thiên nhiên và có sự tương tác tốt giữa các chuỗi nhánh PMMA của graft polymer với các đơn vị acrylonitrile của NBR ở bề mặt chung NR/NBR và vì vậy giảm ứng suất bề mặt và kích thước pha, tính chất cơ lý của hỗn hợp được cải thiện nhiều.
Tham khảo từ tài liệu Blends of Natural Rubber: Novel Techniques for Blending with Specialty Polymers, Andrew J. Tinker và Kevin P. Jones, Springer, 1998, trang 68 – 69
(vtp-vlab-caosuviet)