Thông thường có một khoảng thời gian tồn trữ giữa quá trình xử lý sợi và ứng dụng nó để gia cường vật liệu đàn hồi. Nếu được tồn trữ dưới những điều kiện thích hợp: kín, lạnh, khô và tối, sợi đã ngâm chất kết dính có thể duy trì mức kết dính ban đầu trong một khoảng thời gian đáng kể từ 12 – 18 tháng. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này, sợi thường tiếp xúc với các yếu tố môi trường khác nhau như ánh sáng mặt trời, độ ẩm, oxy gây nên tác động lão hóa nhất định cho lớp màng hóa chất, có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ kết dính với cao su sau này.
Đầu tiên là tác động của ánh sáng. Một số nghiên cứu cho thấy ngay cả tia UV phát ra từ đèn huỳnh quang bình thường cũng làm giảm mức độ kết dính của sợi gần 1/3 sau 48 giờ tiếp xúc. Ngoài ra, tiếp xúc với ánh sáng ban ngày trong 100 giờ có thể dẫn đến mất 60% tính kết dính ban đầu của sợi. Điều nay có thể giải thích do sự giảm sút các liên kết đôi ở bề mặt lớp màng chất kết dính dưới tác động của tia UV, vì vậy làm giảm các vị trí liên kết ngang của sợi vào cao su.
Độ ẩm tác động không đáng kể lên sự giảm sút tính kết dính của lớp màng chất kết dính. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ẩm gây nên vấn đề tạo lỗ xốp, bọt làm giảm sự liên kết giữa sợi và cao su. Độ ẩm có tác động lớn cho sợi nhân tạo và sợi nylon. Ví dụ, độ ẩm bình thường của sợi nylon khoảng 4% và mức này có thể nhanh chóng đạt được sau khi ngâm và sấy khô sợi, khoảng từ 12 – 18 giờ.
Ngoài ra, ta cũng phải kể đến tác động của oxy. Khi tồn trữ trong thời gian dài, các phản ứng oxy hóa từ từ làm mất tính kết dính của sợi do sự giảm sút các liên kết đôi ở bề mặt. Trong trường hợp này, phải sử dụng phụ gia kết dính thích hợp trong công thức cao su hoặc phải ngâm lại sợi.
Tham khảo từ tài liệu The Application of Textiles in Rubber, David B. Wootton, iSmithers Rapra Publishing, 2001, trang 107 - 108
(vtp-vlab-caosuviet)