Vấn đề vật liệu cao su tiếp xúc thực phẩm đang thu hút sự chú ý cao do nó ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Xu hướng hiện tại là chuyển dần từ việc sử dụng các loại cao su truyền thống sang vật liệu đàn hồi nhiệt dẻo và cao su tính năng cao.
Vật liệu đàn hồi nhiệt dẻo tương đối đơn giản khi so sánh với cao su truyền thống, không dùng hệ kết mạng. Điều này có nghĩa rằng chúng chứa ít hóa chất di trú hơn và thực tế không chất nào gây độc hại. Ví dụ, TPE loại copolyester với tính kháng nhiệt độ cao đã được phát triển để thay thế cho cao su silicone tiếp xúc thực phẩm. Một số ứng dụng khác như TPE loại polyurethane được dùng làm găng tay tiếp xúc thực phẩm, TPE loại styrene-block copolymer sạch, tính năng cao đang cạnh tranh với cao su silicone trong sản xuất núm vú cho trẻ em, TPE loại block copolymer SEBS được sử dụng để sản xuất nút tổng hợp dùng trong các chai rượu thay cho nút bần tự nhiên.
Tương tự, cao su lưu hóa nhiệt dẻo (TPV) được sử dụng tăng nhanh trong những năm gần đây. Những vật liệu này khác vật liệu đàn hồi nhiệt dẻo truyền thống ở chỗ pha cao su được kết mạng tới một mức độ nhất định. Điều này cải thiện đáng kể một số tính chất vật lý và hóa học của TPV so với TPE.
Một xu hướng khác là sử dụng cao su tính năng cao, sạch hơn (như fluorocarbon và halobutyl) cũng được cho là tiếp tục phát triển để thay thế cho cao su diene. Điều này là do áp lực đảm bảo giới hạn an toàn thực phẩm cao hơn và yêu cầu từ các nhà máy sản xuất thực phẩm về thời gian sử dụng sản phẩm cao su lâu hơn. Cụ thể, mặc dù chi phí ban đầu rất cao nhưng điều này có lợi khi xem xét toàn thời gian hoạt động của sản phẩm cao su. Ví dụ, đệm làm kín perfluoroelastomer có thể đắt gấp 1000 lần đệm làm kín EPDM tương tự, nhưng nó sẽ được dùng đủ lâu để bù lại chi phí này trong việc giảm thời gian bảo trì và giảm thời gian sản xuất bị mất do đệm bị hư.
Tham khảo từ tài liệu Food Contact Materials – Rubbers, Silicones, Coatings and Inks, Martin Forrest, iSmithers Rapra Publishing, 2009, trang 117 - 118
(vtp-vlab-caosuviet)