Xem phần 1 tại đây
Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sự oxy hóa vật liệu đàn hồi như ánh sáng mặt trời, hàm lượng kim loại và hàm lượng lưu huỳnh trong cao su.
Ánh sáng UV thúc đẩy sự oxy hóa gốc tự do ở bề mặt cao su để tạo nên một lớp màng cao su oxy hóa. Sau đó, nhiệt và ẩm trong không khí tăng nhanh sự hình thành các vết rạn nứt. Vấn đề này nghiêm trọng hơn đối với các chi tiết mỏng vì ngoài tính thẩm mỹ, cơ tính của sản phẩm bị giảm sút nghiêm trọng.
Các ion kim loại nặng (chủ yếu cobalt, copper, manganese, iron) được cho là xúc tiến phản ứng oxy hóa vật liệu đàn hồi bằng cách thúc đẩy sự phân ly của peroxide để tăng nhanh sự tấn công bởi oxygen sau đó. Các muối của copper và manganese, như stearate và oleate, tan trực tiếp trong cao su; chúng rất hoạt động vì tạo ra nguồn trực tiếp của các ion kim loại nặng. Các dạng ít tan hơn (oxide) có thể phản ứng với acid béo trong thành phần phối trộn cao su để tạo thành dạng muối tan. Phương pháp xử lý là tránh dùng các kim loại nặng có hại hoặc dùng chất kết hợp phản ứng với các ion kim loại để tạo thành các phức chất ổn định, làm mất hoạt tính của ion kim loại.
Một yếu tố khác phải được xem xét đến là hàm lượng lưu huỳnh trong cao su, đặc biệt trong các ứng dụng mà chi tiết chịu sự uốn dẻo liên tục. Điều này là do vận tốc oxy hóa tỷ lệ với lượng lưu huỳnh kết hợp trong cao su, mức lưu huỳnh thấp hơn tạo nên tính kháng lão hóa tốt hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng những hệ lưu huỳnh thấp phải cẩn thận và linh hoạt. Trong trường hợp của cao su thiên nhiên, hệ kết mạng lưu huỳnh thấp tạo nên tính kháng mỏi kém; ngược lại, trong trường hợp của SBR, cao su thể hiện cả tính kháng lão hóa tốt và tính kháng mỏi tốt.
Tham khảo từ tài liệu Handbook of Specialty Elastomers, Robert C. Klingender, CRC Press, 2008, trang 436 - 437
(vtp-vlab-caosuviet)