Xem phần 1 tại đây
Cao su silicone loại thường có tính kháng dầu trung bình, không bị hòa tan trong dầu nóng. Tuy nhiên, một số phụ gia hóa chất được thêm vào dầu bẻ gãy liên kết silicone làm tăng mức trương nở. Nhìn chung, cao su silicone có mật độ kết mạng và mức độn cao thể hiện sự trương nở ít hơn. Một loại cao su silicone đặc biệt, cao su fluorosilicone có tính phân cực cao hơn do thêm vào các nhóm nhánh 3,3,3-trifluoropropyl. Tính kháng của chúng với các dung môi không phân cực được tăng lên đáng kể.
Cao su silicone cũng không bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với hơi nước tự do hoặc dưới áp suất trung bình. Tuy nhiên, ở áp suất hơi nước cao hơn, tính chất cơ học bị ảnh hưởng nhiều, không nên sử dụng cao su silicone trong khoảng thời gian dài khi mà áp suất hơi nước vượt quá 0.345 MPa.
Bên cạnh đó, cao su silicone có tính cách điện tốt nhất so với các loại cao su khác trên một dãy nhiệt độ rộng. Ngoài ra, khi cao su silicone tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa, lớp cao su bề mặt cháy tạo thành lớp tro không dẫn điện. Nếu không chịu va đập, chấn động mạnh, nó sẽ tiếp tục hoạt động trong một khoảng thời gian dài.
Tác động của thời tiết không là vấn đề nghiêm trọng cho cao su silicone. Nếu được kết mạng đúng cách, cao su silicone có tính kháng cao với ánh sáng mặt trời, ozone, phóng điện, oxygen, vi khuẩn, nấm mốc, …
Tham khảo từ tài liệu Rubber Technologist’s Handbook (Volume 2), J. White, S.K. De và K. Naskar, Smithers Rapra Press, 2009, trang 388 – 390
(vtp-vlab-caosuviet)