|
Đệm cao su kỹ thuật từ cao su thiên nhiên |
Cao su là vật liệu rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Phương pháp tái sinh cao su lưu hóa đơn giản nhất là nghiền nhỏ cao su thành bột và sử dụng chúng như là thành phần nguyên liệu phối trộn. Kỹ thuật tạo cao su dạng bột ảnh hưởng nhiều đến kích thước hạt và đặc trưng bề mặt, điều này ảnh hưởng đến tính chất cơ học của vật liệu tổng hợp độn bột cao su. Các phương pháp nghiền thông thường tạo bột cao su lưu hóa được mô tả bên dưới.
Nghiền khô ở điều kiện môi trường là quá trình cho cao su lưu hóa đi qua khe hở của máy cán trượt công suất cao hoặc máy cán hai trục ở nhiệt độ phòng. Số lần cán quyết định kích thước hạt, số lần cán càng nhiều, kích thước giảm càng nhiều. Vì vậy, chi phí của quá trình nghiền cao su tăng khi kích thước hạt giảm. Trong quá trình nghiền ướt, mẫu cao su được ngâm trong nước (dung môi) trước khi được cho vào máy nghiền. Quá trình nghiền xảy ra dễ dàng, ít bụi hơn do được bôi trơn bằng nước (dung môi) và mẫu cao su mềm hơn. Ngoài ra còn có kỹ thuật nghiền đông lạnh. Trong quá trình này, mẫu cao su được làm lạnh xuống tới nhiệt độ âm bằng cách dùng ni-tơ lỏng, cao su đông đặc trở nên giòn hơn, sau đó được nghiền thành các hạt nhỏ bằng máy nghiền búa. Kích thước hạt được kiểm soát bởi thời gian ngâm trong ni-tơ lỏng và bởi kích thước lưới của tấm chặn trong khoang nghiền của máy nghiền.
Để sản xuất các hạt mịn (~ 100μm), nghiền đông lạnh kinh tế hơn nghiền ở điều kiện môi trường. Mặc dù chi phí sản xuất phụ thuộc vào sự tiêu thụ ni-tơ lỏng nhưng do cao su đông lạnh nghiền thành bột dễ dàng hơn cao su ở nhiệt độ môi trường, máy móc ít bị mài mòn và hư hao, dẫn đến chi phí bảo trì giảm đáng kể. Khí sinh ra và khả năng bốc cháy không có trong phương pháp nghiền đông lạnh. Sự phân hủy cao su, do nhiệt sinh ra trong quá trình nghiền là không đáng kể so với các phương pháp nghiền khác ở điều kiện môi trường. Một ưu điểm khác của nghiền đông lạnh là năng suất nghiền cao.
Tham khảo từ tài liệu Rubber Recycling, Sadhan K. De, Avraam I. Isayev và Klementina Khait, CRC Press, 2005
(vtp-vlab-caosuviet)
|
Tái sinh cao su đã sử dụng giúp bảo vệ môi trường |