Các loại cao su EPDM ngoài sự khác biệt về thành phần termonomer, có một số thông số quan trọng khác ảnh hưởng đáng kể đến tính chất của EPDM.
Đầu tiên là thành phần của cao su EPDM. Nhìn chung, thành phần cao su thường được báo cáo như phần trăm khối lượng ethylene và thay đổi từ 75 tới 45%. Các monomer trong EPDM được phân bố ngẫu nhiên tạo thành dạng vô định hình. Hàm lượng ethylene càng cao thì cao su EPDM có khả năng kết tinh hơn, có độ bền trước lưu hóa cao hơn, có thể độn nhiều chất độn/dầu, độ bền kéo cao hơn, dễ tạo viên và tính ép đùn tốt hơn. Tuy nhiên, cao su EPDM hàm lượng ethylene cao có khuyết điểm là tính chất ở nhiệt độ thấp kém và khó cán luyện.
Tác động của khối lượng phân tử cao là tương tự với tác động của hàm lượng ethylene cao, như độ bền kéo và độ bền trước lưu hóa tốt hơn, có thể độn nhiều chất độn và dầu hơn, khuyết điểm là khả năng gia công kém của chúng.
Phân bố khối lượng phân tử cũng là một tính chất rất quan trọng của cao su EPDM. Polymer với phân bố khối lượng phân tử rộng có khả năng cán tráng và cán luyện rất tốt, độ bền trước lưu hóa cao hơn nhưng không độn được nhiều chất độn và dầu, kết mạng chậm và trạng thái kết mạng kém. Cao su EPDM phân bố khối lượng phân tử hẹp hơn thường được sử dụng do loại này có vận tốc kết mạng nhanh hơn, trạng thái kết mạng tốt hơn và dễ ép đùn.
Tham khảo từ tài liệu Rubber Technology – Third Edition, Maurice Morton, Springer, 1999, trang 263 – 264
(vtp-vlab-caosuviet)