Chất làm chậm và ức chế sự lưu hóa sớm được sử dụng trong các hỗn hợp cao su để tăng an toàn gia công, đặc biệt cho các chi tiết lớn, phức tạp cần thời gian để điền đầy khuôn. Các chất làm chậm giúp tăng thời gian lưu hóa sớm, đôi khi cũng có tác dụng phụ không mong muốn là làm chậm vận tốc lưu hóa.
Có nhiều loại chất làm chậm lưu hóa sớm khác nhau. Trong đó, có nhóm các chất có tính acid, như benzoic acid, salicylic acid và phthalic anhydride. Chúng kéo dài thời gian lưu hóa sớm trong các hỗn hợp được xúc tiến thiazole nhưng tác động của chúng trong các nguyên liệu được xúc tiến sulphenamide là kém.
Chất làm chậm lưu hóa sớm hiệu quả nhất là N-(cyclohexylthio)phthalimide (CTP), còn được gọi là chất ức chế tiền lưu hóa (PVI). Ưu điểm của nó là hiệu quả với nhiều loại polymer, chất xúc tiến (sulphenamide, thiazole) và các thành phần phối trộn khác, không ảnh hưởng đến tính chất của cao su lưu hóa, không gây mất màu hoặc tạo lỗ xốp. Ngoài ra, tác động của nó tuyến tính với lượng dùng nên cho phép xác định dễ dàng lượng dùng cần thiết để tạo nên mức kháng lưu hóa sớm nhất định. Trong hầu hết các ứng dụng, mức 0.1–0.3 phr thường được sử dụng, chú ý rằng chỉ cần thêm 0.1 phr sẽ tạo nên sự cải thiện đáng kể tính kháng lưu hóa sớm. Hơn nữa, việc thêm PVI cho phép lưu hóa cao su ở nhiệt độ cao, giúp tăng năng suất sản xuất. Tuy nhiên, PVI không hiệu quả trong các nguyên liệu được xúc tiến thiuram và các hệ kết mạng oxyt kim loại.
Tham khảo từ tài liệu Rubber Technologist’s Handbook, Sadhan K. De và Jim R. White, Smithers Rapra Technology, 2001, trang 184 – 185
(vtp-vlab-caosuviet)