Việc kết dính cao su với kim loại là một yêu cầu thường gặp trong quá trình sản xuất các sản phẩm cao su. Để giải quyết vấn đề này, nhiều loại chất kết dính khác nhau đã được thử nghiệm, thương mại. Trong bài viết này, tôi đề cập đến việc sử dụng chất kết dính ThixonTM 305.
ThixonTM305 là sản phẩm của công ty Rohm and Haas. Đây là chất kết dính một lớp phủ, tan trong dung môi, dùng để kết dính hỗn hợp cao su silicon với kim loại trong quá trình lưu hóa.
Để đạt được mức kết dính tốt, việc chẩn bị bề mặt kim loại thật sạch là rất quan trọng. Đầu tiên dùng dung môi, kiềm để loại bỏ tạp chất, dầu mỡ; tiếp theo là chà xát bề mặt kim loại và sau cùng là dùng dung môi loại bỏ dầu mỡ một lần nữa. Chú ý luôn đảm bảo dung môi xử lý phải thật sạch.
Có thể dùng một trong 3 phương pháp: quét, ngâm hoặc xịt để phủ lớp kết dính (đã pha loãng bằng dung môi) trên bề mặt kim loại. Đối với phương pháp quét, pha loãng 1 phần thể tích chất kết dính với 5 – 10 phần thể tích dung môi pha loãng. Đối với phương pháp ngâm và xịt, tỷ lệ này lần lượt là 1:10 và 1:5. Dung môi pha loãng là naphtha VM&P hoặc methanol khan.
Sau khi phủ lớp kết dính lên bề mặt kim loại, phải làm khô hoàn toàn lớp màng kết dính này trước khi lưu hóa. Thời gian làm khô xấp xỉ khoảng 20 – 30 phút ở nhiệt độ phòng (60 – 80oF), nhiệt độ thấp hơn thì thời gian kéo dài hơn và ngược lại, ở 180oF thì chỉ cần khoảng 5 phút; nhưng không được làm khô ở nhiệt độ cao hơn 250oF. Màng chất kết dính ThixonTM 305 khá ổn định, nếu được bảo quản tốt tránh tạp chất thì có thể trữ vài ngày trước khi sử dụng.
ThixonTM 305 có thể dùng trong các phương pháp lưu hóa dạng khuôn thông thường, nhiệt độ lưu hóa từ 250 – 400oF.
Chi tiết có thể tham khảo thêm từ tài liệu
http://www.dow.com/assets/attachments/business/pcm/thixon/thixon_305/tds/thixon_305.pdf
(vtp-vlab-caosuviet)