Từ những năm 1940, việc dùng các hệ chất kết dính có chứa dung môi hữu cơ để kết dính cao su với kim loại bắt đầu phát triển. Dung môi hữu cơ được xem như là môi trường phân tán cho polyme, nhựa, chất kết mạng, chất độn v.v… Nó có thể là đơn chất hay là hỗn hợp các dung môi khác nhau. Trong lĩnh vực sản xuất chi tiết cao su kết dính với kim loại, nó đóng một vai trò quan trọng và được sử dụng trong nhiều bước như: sản xuất chất kết dính, loại bỏ dầu mỡ khỏi bề mặt kim loại, pha loãng chất kết dính để phủ lên bề mặt kim loại.
|
Trục in offset làm từ cao su nitrile (NBR) |
Tuy nhiên, về mặt môi trường, việc sử dụng khá phổ biến các dung môi hữu cơ như vậy là không thể chấp nhận. Chúng phân tán vào bầu không khí nhà máy và tạo ra mối nguy về sức khỏe. Hầu hết các dung môi hữu cơ đều cháy được; đây cũng là một mối nguy về cháy nổ. Chi phí mua các dung môi hữu cơ là khá đắt. Ngoài ra, vấn đề xử lý, loại bỏ dung môi sau khi sử dụng rất khó khăn, tốn kém. Bên cạnh đó, công nhân cần được trang bị thêm để bảo vệ khỏi hóa chất và sự gây nghiện. Cuối cùng, các dung môi này phát tán vào bầu khí quyển, dưới tác động trực tiếp của ánh sáng Mặt Trời, chúng sẽ phá hủy tầng ozon.
Các chi phí để kiểm soát việc sử dụng các dung môi hữu cơ, môi trường đô thị, quy định của pháp luật tất cả đã tạo nên áp lực buộc các nhà sản xuất chuyển sang sản xuất các hệ chất kết dính không dùng dung môi hữu cơ. Những nghiên cứu cho thấy rằng nếu chuyển sang dùng hệ chất kết dính chứa nước có thể giảm phát thải dung môi tới 67%. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này khá chậm do cả nhà sản xuất và khách hàng đã quen sử dụng các hệ chất kết dính chứa dung môi hữu cơ trong một thời gian dài, họ đã tích lũy được một số kiến thức và kinh nghiệm nhất định. Vì thế, việc chuyển đổi này tạo ra nhiều bất lợi. Đối với nhà sản xuất, họ phải đầu tư mới lại máy móc, thiết bị và công nghệ. Đối với khách hàng, họ phải học cách dùng các hệ kết dính mới.
Tóm tắt từ tài liệu Handbook of Rubber Bonding, Bryan Crowther, 2003, trang 125 – 127.
(vtp-vlab-caosuviet)